Chuyện ẩm thực trong cuộc sống thường nhật quả chiếm nhiều thời gian. Người ta thích ăn ngon không đơn thuần chỉ vì đói bụng hay vị ngon của món ăn mà còn là niềm vui tinh thần. Đối với người Huế chuyện ăn uống được ví như một nghệ thuật và là lạc thú ở đời. Món ăn Huế phong phú, hội tụ đầy đủ mọi tinh hoa và mang bản sắc riêng độc đáo. Chỉ với những nguyên liệu dân dã, mộc mạc nhưng nhờ sự khéo tay, biết cách chế biến và cách thức nêm nếm để tạo nên những món ăn thi vị. Ở Huế có những món ăn “thú vị” bởi mùa nào thức đó nên chỉ vào “đúng mùa” mới có thể thưởng thức được món ăn ngon lành ấy.

Bún giấm nuốc

Bún giấm nuốc là món ăn mang đậm hương vị Cố đô nên nếu có dịp ghé Huế vào mùa hè bạn nhất định không được bỏ qua món bún giấm nuốc – món chỉ được bán vào mùa hè. Cứ vào mùa hè, nuốc sẽ được ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán cho các chợ đầu mối. Nuốc được chia làm hai phần gồm phần tai và phần chân. Phần tai thường được dùng để ăn kèm với rau sống với ruốc hoặc dùng làm gỏi. Phần chân ruốc giòn giòn, sần sật thường được làm nguyên liệu chính cho món bún giấm nuốc.

Nuốc chân được ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn, khi gần ăn thì vớt ra để ráo. Linh hồn của món bún giấm nuốc là phần nước lèo. Tôm được bóc vỏ, để lại phần gạch tôm và ướp với tiêu, hành, nước mắm rồi um với dầu ăn ở lửa riu riu cho thấm. Thêm nước vào xăm xắp, cho ít ruốc và cà chua vào để tạo vị chua tự nhiên, đợi nước sôi rồi tắt bếp. Rau sống ăn kèm sẽ gồm một vài loại rau thơm, bắp chuối sứ bào… Ngoài ra thêm ít đậu phộng, bánh tráng mè nước, mắm ruốc, ớt xanh… để tạo hương vị hấp dẫn cho món ăn.

Nuốc có tính mát nên món ăn này thích hợp để giải nhiệt mùa hè. Một chút đậm đà từ nước lèo, tươi mát từ bún và rau, vị giòn giòn, ngọt ngọt của nuốc sẽ rất đưa vị, thanh mát cho mùa hè nóng nực.

Bánh khoái cá kình

Mùa cá kình ngon thường rời vào giữa tháng 4 đến tháng 7 Âm Lịch. Đặc biệt những ngày trời sắp chuyển sang mùa mưa là lúc mà cá kình sông, cá kình biển được nhiều hơn cả. Cá kình được người Huế chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, đặc biệt là bánh khoái cá kình.

Để làm ra món bánh khoái cá kình, người Huế thường đổ bánh trong những chiếc chảo nhỏ trên bếp than hoặc bếp củi. Khi đổ bánh, dầu ăn thường bắn ra ngoài chảo, rơi vào than, củi nên sinh ra nhiều khói. Bánh được làm chín trên bếp, ám mùi khói nên được gọi là bánh khói. Tuy nhiên cách phát âm của người địa phương đọc chệch thành bánh khoái.

bánh khoái cá kình
Một chiếc bánh ngon phải được đổ đều tay, tràn đều khắp chảo để bánh đạt độ mềm, mỏng

Điểm đặc biệt của món ăn này đó là trước khi chế biến cá kình được rửa sạch, để nguyên con. Ruột cá cũng được giữ lại và thưởng thức để cảm nhận được hết độ béo ngậy, đậm đà, bùi bùi của phần ruột.

Một chiếc bánh ngon phải được đổ đều tay, tràn đều khắp chảo để bánh đạt độ mềm, mỏng. Khi cá chín vàng, dậy mùi thơm thì cho thêm ít giá đỗ, hành lá trên mặt. Bánh khoái dai giòn, bùi ngậy của bột gạo kết hợp với thịt cá mềm, thơm chấm cùng nước mắm ruốc khiến bạn ăn hoài không dứt. Du khách ghé Huế thời gian này đừng quên thưởng thức món ăn này để cảm nhận hết vị ngon của những mẻ cá ngon, chất lượng nhất nhé.

Khuyết xào cà chua

Sau tết là thời điểm bắt đầu vào mùa khai thác khuyết. Những ngày Huế có sương giăng mù, mùa biển động cũng chính là mùa khuyết nổi. Mâm cơm Huế vào mùa khuyết thường không thiếu những món ăn quen thuộc như khuyết xào cà chua. Đi chợ vào mùa khuyết nổi sẽ có rất nhiều những mẹt khuyết hồng tươi roi rói được bày bán, món ăn chế biến với khuyết ăn kèm với cơm nóng là số một.

khuyết xào cà chua
Khuyết xào cà chua ăn thanh mát, đậm vị

Khuyết tươi, ướp gia vị, hành tím cho thơm rồi xào cùng cà chua hoặc khế chua, ăn kèm với rau sống, dưa leo, xà lách, bắp chuối, cải con…. Vị ngon ngọt của khuyết thấm đẫm mùi gia vị, hành hương, rau xanh sẽ làm cho bữa cơm thêm ngon lành, đậm vị.

Vào mùa khuyết, ngoài những mẻ khuyết tươi bán khắp các chợ thì người dân chài còn phơi khô để dùng hoặc bán vào mùa mưa. Những ngày Huế mưa lạnh, khuyết phơi khô đem rang giòn lên, giã thêm chén nước mắm mặn mặn ngọt ngọt ớt tỏi rồi trộn đều với khuyết tuy đơn sơ nhưng rất thơm ngon và hao cơm lắm lắm.

Cá ngạnh trứng um măng

Cá ngạnh trứng thường xuất hiện vào mùa hè, mùa mưa tầm tháng 5 đến tháng 8. Mùa này cá ngạnh có nhiều trứng có thể um với măng chua tạo nên hương vị đậm chất miền Trung. Khi sơ chế, cá phải được làm sạch ruột cẩn thận. Đem ướp cá với nước mắm, hành, tiêu cho thấm. Cho cá ngạnh vào dầu rim cho đến khi thịt cá săn lại, cho tiếp măng chua, chuối chát trộn đều để thấm gia vị. Cho hỗn hợp trên vào nồi nước đang sôi, cho thêm cà chua, thơm vào đun lửa liu riu.

Cá ngạnh trứng um măng ăn kèm với bún tươi hoặc cơm trắng, rau sống. Khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị mềm béo của thịt cá, vị chua cay của măng, hương thơm của hành sẽ kích thích vị giác, rất đưa cơm.

Cá bống thệ kho rim

Cá bống thệ hay cá thệ là đặc sản nức tiếng của xứ Huế, ngày xưa chỉ đem tiến vua. Cá bống thệ thường được ăn cùng với cơm trắng hay cháo gạo hẻo rằn. Cá thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa xứ Huế và nghề đánh bắt cá này cũng khá kỳ công, đòi hỏi ngư dân phải hiểu được hết đặc tính của loài cá này cũng như chu kỳ lên xuống của từng con nước.

Cá được làm sạch rồi nêm thêm đường, tiêu, nước mắm, nước màu, ớt nguyên trái cho thấm. Cá kho riu trên lửa nhỏ cho đến khi con cá khô sắc lại, cá không bị quá cứng và có màu vàng cánh gián đẹp mắt. Sắc vàng ươm của cá, hòa chút vị ngọt, mặn, cay cùng những lát ba chỉ cháy cạnh ăn cùng cháo gạo đỏ hoặc cơm nóng sẽ tạo nên hương vị không thể nào quên.

cá bống thệ kho
Cá bống thệ kho rim ăn kèm với cơm trắng hoặc cháo gạo đỏ

Dù là món ăn cung đình cầu kỳ hay những món ăn dân gian mộc mạc, ẩm thực Huế đều hội tụ đủ 3 yếu tố thơm, bổ, rẻ. Người Huế thường ăn chua, ăn cay, nêm nếm gia vị đậm đà để dậy lên hương vị thơm ngon của món ăn. Mỗi món ăn “theo mùa” ở Huế hài hòa về cả âm dương, ngũ hành, hòa quyện giữa mùi vị, tính chất, màu sắc của món ăn tạo nên sức hút đặc biệt khiến thực khách thử một lần sẽ hoài vấn vương.