Lễ hội Thái Lan luôn được du khách thập phương mong chờ bởi sự náo nhiệt, đa sắc màu và mang đậm nét văn hóa của xứ sở chùa Vàng. Đến Thái Lan vào tháng 10 du khách sẽ cơ hội trải nghiệm nhiều lễ hội độc đáo diễn ra trên khắp đất nước xinh đẹp này. Cùng Labango điểm qua những lễ hội đặc sắc trong tháng 10 này nhé.

Lễ hội Ok Phansa (13/10)

Lễ hội Ok Phansa đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay Phật Giáo. Đây là một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu ở Thái Lan. Lễ hội Ok Phansa được tổ chức với các sự kiện, hoạt động hấp dẫn diễn ra trên khắp Thái Lan. Tuy nhiên ở mỗi tỉnh thành, địa phương lại có những sự kiện khác nhau, hầu hết đều có hoạt động lên chùa và tổ chức cúng dường.

Lễ hội Ok Phansa

Lễ hội cầu lửa Nong Khai Naga (5-13/10)

Lễ hội cầu lửa Nong Khai Naga thu hút rất đông du khách bởi sự tò mò trước hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ đó là những quả cầu lửa xuất hiện từ dưới lòng sông Mekong bay lên trời.

Theo quan niệm của người Thái, Naga, sinh vật thần thoại nửa rắn, nửa rồng sống dưới sông Mekong đã tạo ra những quả cầu lửa này để thể hiện sự tôn kính với Đức Phật. Theo các nhà khoa học thì hiện tượng này xuất hiện là do khí metan thoát khỏi lòng sông và bốc cháy trong không khí. Những quả cầu lửa thường xuất hiện sau 6h chiều và có thể nhìn thấy từ bờ sông Mekong huyện Phon Phisai ở Nong Khai và Bueng Kan lân cận.

Lễ hội cầu lửa Nong Khai Naga

Lễ hội lâu đài sáp Sakon Nakhon (10-13/10)

Lễ hội lâu đài Sakon Nakhon là lễ thường niên được tổ chức vào cuối Mùa Chay Phật Giáo hoặc lễ hội OK Phansa. Tham gia lễ hội du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc bằng sáp tuyệt đẹp. Những tác phẩm độc đáo này được tạo ra từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân địa phương.

Tham gia lễ hội, du khách còn được chiêm ngưỡng các hoạt động hấp dẫn như lễ rước lâu đài sáp vòng quanh thị trấn đến Wat PhraThat Choeng Chum, lễ cúng dường thực phẩm cho các nhà sư và cuộc thi đua thuyền trên sông Mekong siêu thú vị. Đây là dịp để du khách tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Thái Lan qua những hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, biểu diễn âm nhạc, triển lãm hoa sáp, thưởng thức ẩm thực…

Lễ hội lâu đài sáp Sakon Nakhon

Lễ rước thuyền ánh sáng (13/10)

Lễ rước thuyền ánh sáng là một sự kiện truyền thống của người dân vùng Đông Bắc Thái Lan để đánh dấu cho sự kết thúc của Mùa Chay Phật Giáo. Trong lễ hội này, Ruea Fai hoặc những chiếc thuyền lửa trang trí bằng hoa, nhang, nến, đèn lồng được thả trên sông Mekong siêu rực rỡ. Sau đó những chiếc thuyền được thả thì ban tổ chức sẽ tổ chức cuộc thi để tìm ra chiếc thuyền đẹp nhất.

Sự kiện này thường được diễn ra tại tòa thị chính ở Nakhon Phanom và dọc theo sông Me Kong trên đường Sunthornvichit. Hoạt động nổi bật nhất của lễ hội này đó là lễ rước vào ngày chính hội diễn ra từ 7h tối.

Lễ rước thuyền ánh sáng

Ngày tưởng niệm vua Chulalongkorn (23/10)

Vua Chulalongkhorn là người có công lớn với đất nước Thái Lan khi đã xóa bỏ chế độ nô lệ, phát triển giáo dục, tư pháp, đối ngoại và tiện ích công cộng. Chính vì thế ông được người Thái tôn thờ và kính trọng. Ngày tưởng niệm Vua Chulalongkhorn vào ngày 23/10 được gọi là Wan Piyamaharaj. Đây được coi là ngày lễ lớn và diễn ra trên khắp Thái Lan.

Cứ vào ngày này, nhà vua Thái Lan sẽ đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng Niệm Vua Chulalongkhorn ở Cung điện Dusit, sau đó đến Amarin Winitchai Throne Hall để tham gia vào một buổi lễ công đức hoàng gia. Những nghi thức đặt vòng hoa tương tự cũng được diễn ra ở bất kỳ những nơi nào có tượng Vua Chulalongkhorn.

Cung điện Dusit – nơi diễn ra lễ tưởng niệm vua Chulalongkorn

Lễ hội Tak Bat Phra Roi (20/10)

Lễ hội Tak Bat Phra Roi cũng là lễ hội đặc sắc đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay Phật Giáo được diễn ra tại quận Lat Krabang, ở phía Đông của Bangkok. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các cuộc đua thuyền và hoạt động quyên góp, công đức được diễn ra dọc bên bờ kênh Lamplatiew phía trước chùa Wat Sutthaphot.

Lễ hội Rub Bua (12/10)

Lễ hội Rub Bua có nghĩa là “nghi thức nhận hoa sen”. Lễ hội được tổ chức hàng năm tại huyện Bang Phli của tỉnh Samut Prakan. Hoạt động chính của lễ hội đó là cuộc diễu hành của những chiếc thuyền chở tượng Phật trên sông Samrong từ 7h30 sáng bắt đầu từ Wat Bang Phli Yai Nai.

Lễ hội Rub Bua

Người dân hai bên bờ sông sẽ cầm hoa sen ném lên thuyền hoặc thả trên sông với niềm tin rằng nếu những bông hoa sen rơi trên thuyền hoặc chạm vào thuyền có nghĩa là đã được đức Phật chấp nhận và điều may mắn sẽ đến.

Lễ hội Núi Chùa Vàng (15-24/10)

Lễ hội Núi Chùa Vàng có thời gian diễn ra dài nhất ở Thái Lan. Lễ khai mạc thường sẽ được diễn ra một tuần trước khi trăng tròn vào tháng 10. Một tấm vải đỏ sẽ được diễu hành dọc theo các tuyến phố gần đền thờ sau đó được đưa lên đỉnh đồi và quấn quanh bảo tháp. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội thì mỗi ngày sẽ có chương trình văn hóa, âm nhạc, trò chơi và khám phá ẩm thực được tổ chức.

Lễ hội Núi Chùa Vàng

Lễ hội ăn chay Phuket (28/9 – 7/10) 

Lễ hội ăn chay Phuket được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm tại hòn đảo lớn nhất của Thái Lan. Người dân sẽ xuống đường cầu nguyện và thực hiện cuộc diễu hành khổ hạnh. Những người tham gia lễ hội sẽ phải thể hiện lòng sùng kính tôn giáo qua việc hành xác như bấm khuyên khổng lồ, xỏ lỗ qua cơ thể, đi trên than, chơi pháo nổ…

Lễ hội được diễn ra trong vòng 9 ngày liên tiếp nên những người sùng đạo cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc không được ăn thịt và uống rượu. Những người dân Phuket tin rằng trong suốt 9 ngày đó sẽ có 9 vị thần xuống trần gian để phù hộ cho cuộc sống yên bình, mùa màng bội thu vào năm sau.

Lễ hội ăn chay Phuket

Trên đây là những lễ hội đặc nhất của Thái Lan vào tháng 10. Du khách đến Thái Lan vào thời gian này có thể tham gia vào các chương trình lễ hội để có cơ hội trải nghiệm những hoạt động vui chơi, giải trí vui nhộn và tìm hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo của xứ sở Chùa Vàng. Nếu bạn yêu thích văn hóa Thái thì hãy tham khảo ngay những chương trình tour hấp dẫn của Labango và truy cập Labango để săn ngay vé máy bay giá tốt nhé.