Khác hẳn với vẻ uy nghi, tráng lệ của cung điện lăng tẩm, nét cổ kính, u hoài của những bức tường thành hàng trăm năm tuổi, có một Huế rất khác nằm ẩn mình trong ngôi làng nhỏ dưới chân đồi Vọng Cảnh – Làng hương Thủy Xuân. Nơi đây lưu giữ gần như trọn vẹn nghề làm hương thủ công truyền thống của người Huế xưa. Giờ đây làng hương Thủy Xuân đã trở thành điểm dừng chân sống ảo không thế thiếu của biết bao bạn trẻ gen Z trong xuyên suốt hành trình khám phá đất Kinh Kỳ Cố Đô Huế.

Làng Hương có từ bao giờ?

Làng hương Thủy Xuân và nghề làm hương bắt đầu từ khoảng 700 năm trước. Vào thời nhà Nguyễn, làng hương Thủy Xuân là địa chỉ hành hương của vua quan triều đình và nhân dân vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.

làng hương thủy xuân
Làng hương Thủy Xuân lưu giữ gần như trọn vẹn nghề làm hương thủ công truyền thống

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, làng vẫn gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống đặc biệt cho các thế hệ con cháu đời sau. Đa phần người dân ở đây đều theo nghề làm hương và trở thành nguồn thu nhập chính của họ.

Đường đến làng hương Thủy Xuân

Làng nghề cổ truyền nổi tiếng nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, gần với hai địa danh nổi tiếng lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh. Nằm cách trung tâm thành phố Huế 7km về hướng Tây Nam, đường đến làng Hương rất thuận tiện để di chuyển.

Từ cầu Trường Tiền chạy dọc theo trục đường Lê Lợi rẽ trái vào đường Điện Biên Phủ. Chạy tiếp đến khi gặp di tích Đàn Nam Giao thì rẽ phải vào đường Lê Ngô Cát. Di chuyển thêm khoảng 2,5km nữa sẽ đến đường Huyền Trân Công Chúa. Dọc 2 bên đường sẽ có rất nhiều cửa hàng bán hương đầy màu sắc, đây chính là cổng vào làng hương Thủy Xuân trứ danh một thời.

làng hương thủy xuân
Làng nghề cổ truyền nổi tiếng nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa

Phương tiện di chuyển

Đường đến làng Hương có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho tất cả các loại phương tiện. Vì địa điểm này không quá xa trung tâm thành phố nên bạn có thể đi lại dễ dàng bằng xe máy. Di chuyển bằng phương tiện này bạn có thể ngắm nhìn thêm những di tích, cảnh đẹp khác trên cung đường đến làng hương. Đến làng hương bạn sẽ thấy một khung cảnh bình dị với mùi hương quen thuộc, dễ chịu. Các quầy hương bày bán dọc hai bên đường nên nếu bạn quay video thì di chuyển bằng xe máy cũng rất thuận tiện cho việc quay chụp nhé.

Giờ mở cửa và giá vé tham quan

Làng hương Thủy Xuân mở cửa tham quan miễn phí từ 6h00 đến 17h30. Có rất nhiều quầy trưng bày hương đủ màu sắc và background để chụp ảnh nên nếu các bạn vào chụp hình có thể thuê áo dài, mua đồ lưu niệm, hương trầm ủng hộ hoặc gửi phí chụp hình (tùy tâm) cho các cô chú chủ quán nhé.

Thời gian thích hợp để chụp ảnh

Đến làng hương, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đó là những bó hương đầy màu sắc đang bung xòe dưới nắng vàng soi bóng. Thời điểm tốt nhất để đến thăm làng hương đó là mùa hè, ánh nắng rực rỡ sẽ tô điểm thêm cho những bức ảnh thêm phần hoàn hảo. Hơn nữa mùa hè là thời điểm hanh khô, người dân thường phơi những gói hương đã được làm gần như hoàn thiện khắp các con đường rất đẹp.

Các bạn nên đi vào buổi sáng, lúc này ánh sáng vừa đủ, nắng không quá gắt thuận tiện để chụp ảnh. Đến trưa hoặc chiều thì sẽ hơi nóng một chút và khá đông đúc, phải chờ đợi thay phiên nhau vào các góc chụp khác nhau. Các quầy hương có mái che nên bạn nhớ canh góc để ảnh không bị tối, khi chụp hãy quay mặt ra phía có ánh nắng để bắt sáng và tham khảo một vài cách tạo dáng đẹp với trang phục áo dài để bức ảnh thêm hoàn hảo nhé.

làng hương thủy xuân
Những bức ảnh sống ảo được “ra lò” tại làng hương

Lưu ý mùa hè ở Huế khá oi bức nên bạn cần trang bị vật dụng cá nhân như ô, mũ, nón lá, kem chống nắng… để tránh bị cháy nắng.

Giá thuê áo dài cổ phục

Khung cảnh làng hương nổi bật với nhiều màu sắc, bạn nên chọn những kiểu trang phục đơn sắc, ít họa tiết để tạo điểm nhấn cho khung hình nhé. Ngoài ra bạn có thể hóa thân vào những cô gái Huế xưa trong trang phục áo dài cổ phục. Hầu hết các điểm chụp ảnh ở làng hương đều cho thuê áo dài cổ phục với giá khoảng 50.000đ/bộ, ngoài ra bạn còn được miễn phí sử dụng phụ kiện để tác nghiệp như nón lưới, quạt, guốc mộc, dây chuyền….

làng hương xứ huế
Chụp hình trong trang phục áo dài cổ phục Cung đình Huế

Theo kinh nghiệm của mình thì nên chuẩn bị thêm máy ảnh cơ để đảm bảo chất lượng hình ảnh, nếu chụp bằng điện thoại thì màu sắc của hương khi lên hình sẽ không đẹp như ngoài thực tế. Nếu bạn không có máy cơ thì có thể thuê thợ chụp ảnh với giá 10.000đ/ảnh. Bạn sẽ được chọn ảnh đẹp để lấy và tính tiền theo số ảnh bạn chọn, thậm chí còn được hỗ trợ photoshop để bức ảnh thêm lung linh nữa đấy.

Khám phá Làng nghề cổ truyền

Làng hương đã có cách đây hàng trăm năm và là nơi cung cấp hương trầm chính cho triều đình, vua quan và nhân dân địa phương. Đến đây bạn hãy dành chút thời gian để tìm hiểu thêm về nghề làm hương truyền thống đặc trưng của vùng đất này nhé. Hương trầm thiết kế tuy đơn giản nhưng đằng sau là biết bao kỳ công của người nghệ nhân.

Làng hương cung cấp đủ loại hương ra thị trường như hương quế, nụ trầm hương dầu sả, hương vòng, hương thơm… nhưng nổi tiếng nhất là hương trầm. Nhờ vào chất lượng vượt trội, hình thức cải tiến đa dạng mà hương làng Thủy Xuân còn cung cấp cho các tỉnh thành lân cận với nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau.

làng hương thủy xuân
Khám phá Làng nghề cổ truyền lâu đời tại Huế

Trải nghiệm nghề làm hương thủ công

Trải nghiệm làm hương là hoạt động khá thú vị được nhiều bạn trẻ thích thú. Tự tay trải nghiệm qua các công đoạn từ dễ đến khó của nghề làm hương bạn sẽ phần nào hiểu hơn về nghề truyền thống này cũng như cuộc sống của người dân địa phương nơi đây.

Để làm ra một cây hương khâu đầu tiên đó là làm bột hương. Các nguyên liệu gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế… hòa với nước tạo ra bột hương. Đến công đoạn làm lõi hương, ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp rồi đem đi phơi nắng nhiều ngày để lõi được khô và giòn hơn. Tre dùng làm lõi hương phải là tre già được lấy từ Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn…. Bột hương được trộn dẻo rồi se quanh lõi hương. Cái hay của người nghệ nhân đó là se làm sao để cây hương vừa đủ mỏng, tròn đúng chuẩn. Hương được se xong thì lại đem đi phơi nắng lần nữa.

làng hương thủy xuân
Trải nghiệm nghề làm hương thủ công

Nhiều người làng Thủy Xuân vẫn giữ cách làm hương truyền thống thủ công thay vì dùng máy se hương bởi họ xem đó như là cách để gìn giữ chút gì đó truyền thống và “hồn cốt” riêng của nghề làm hương.

Làng hương Thủy Xuân hàng trăm năm tuổi là không gian lưu giữ nghề làm hương cổ truyền như một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Đến check-in tại làng hương các bạn trẻ sẽ được nhiều hơn những thước ảnh sống ảo đó là cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm nghề làm hương thủ công truyền thống. Đó hệt như cách để thế hệ trẻ được trở về nguồn cội, đắm mình trong những giá trị xưa cũ để yêu thêm những truyền thống văn hóa, tập quán xưa của người Việt được lưu truyền trong những làng nghề địa phương.