Đến hẹn lại lên, mùa Phật Đản về xứ Huế như thay sắc áo mới. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều trở nên lung linh, rực rỡ màu sắc, không khí tưng bừng của mùa lễ hội len lỏi khắp mọi nẻo đường. Cứ vào độ trăng tròn tháng 4, các chùa chiền bày trí cờ hoa, trang hoàng trang nghiêm và trải nghiệm Huế mùa Phật Đản chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên với du khách thập phương.

lễ phật đản
Mỗi góc phố, mỗi con đường đều trở nên lung linh, rực rỡ màu sắc

Không khí lễ hội khắp nẻo đường

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, nơi có hơn 60% dân số theo đạo Phật nên không khí lễ Phật Đản ở vùng đất Cố đô bao giờ cũng hân hoan và náo nhiệt. Đến Huế vào dịp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc sống động của hàng nghìn lá cờ Phật giáo, cờ Tổ Quốc tung bay trong gió, những chiếc đèn lồng, đài sen lung linh được bày trí khắp nẻo đường, cùng với đó là vô vàn những hoạt động ý nghĩa chào đón đại lễ lớn này. 

lễ phật đản
Không khí lễ hội khắp nẻo đường Cố Đô

Để cảm nhận rõ không khí rực rỡ, linh thiêng của không khí Phật Đản phải kể đến con đường Sư Liễu Quán. Một con phố nhỏ nằm nép mình bên ngôi chùa Từ Đàm nổi tiếng, bày bán đầy đủ những món đồ trang trí lung linh sắc màu phục vụ Phật tử mùa lễ hội. Về đêm không khí lễ hội Phật Đản đất Cố Đô càng thêm rõ nét khi khắp các chùa chiền, thiền viện được thắp sáng bởi hàng trăm ngọn đèn lồng, phảng phất một không khí trang nghiêm, huyền ảo, bình yên đến lạ.

Lịch trình đại lễ Phật Đản ở Huế 2023

Xuyên suốt trong thời gian lễ Phật Đản diễn ra, các chùa sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động chào mừng như cúng dường, tắm Phật, lễ Phật, thắp nến, nghe pháp thoại, ăn chay, tu tập…. Ngoài ra rất nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức như lễ diễu hành xe hoa, thả hoa đăng trên sông Hương, trang trí đường phố…. Nếu chọn Huế làm địa điểm du lịch mùa Phật Đản, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội tươi vui, hoan hỉ, an yên tại đất kinh kỳ. 

lễ phật đản
Rất nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức vào dịp lễ Phật Đản

Đại lễ Phật Đản (PL.2567-DL.2023) được tổ chức từ ngày mồng 8 – 15/4 Âm Lịch (tức là từ 26/05 – 02/06 DL). Du lịch Huế mùa Phật Đản du khách sẽ được tham gia một số hoạt động ý nghĩa để chào mừng ngày đản sanh Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. 

Lịch trình chi tiết đại lễ Phật Đản ở Huế 2023 như sau:

  • Tối 26/5: Lễ thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương để cầu nguyện Quốc thái Dân an tại bến Nghinh Lương Đình.
  • Ngày 28/5 – 2/6: Tham gia Đại lễ Phật đản chính thức tại các chùa.
  • Ngày 31/5: Lễ hội Ẩm thực chay tại Trung tâm Liễu Quán và chương trình khai mạc xe hoa, văn nghệ ở Nghinh Lương Đình.
  • Ngày 1/6: Lễ Mộc dục ở Lễ đài Diệu Đế, rước Phật đến lễ đài chính Tổ đình Từ Đàm và hoạt động diễu hành xe hoa trong nội đô Huế và các khu vực lân cận. 
lễ phật đản
Lễ thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương

Lễ Phật những ngôi chùa đẹp của Huế

Huế có rất nhiều ngôi chùa với không gian và kiến trúc đặc trưng. Trong mùa Phật Đản, du khách đừng bỏ qua cơ hội tham quan những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế nhất là hai ngôi cổ tự lâu đời trong hành trình rước Phật và cũng là địa điểm chính diễn ra đại lễ Phật Đản tại Huế. Đó là chùa Diệu Đế và chùa Từ Đàm. 

lễ phật đản
Lễ Mộc dục ở Lễ đài Diệu Đế, rước Phật đến lễ đài chính Tổ đình Từ Đàm

Chùa Diệu Đế

Chùa Diệu Đế tọa lạc bên sông Hộ Thành, gần cầu Gia Hội và chợ Đông Ba. Chùa đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Phật Giáo ở Huế. Chùa Diệu Đế trước đây là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên chùa có cảnh quan rất đẹp, khu vườn rộng rãi, cây cối tươi xanh.

Chùa được xây dựng từ năm 1844 với quy mô đồ sộ trên nền phủ đệ cũ của nhà vua. Tuy nhiên trải qua nhiều biến động chùa không còn được nguyên vẹn như trước. Sau nhiều lần phục hồi chùa Diệu Đế vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm.

lễ phật đản
Chùa Diệu Đế là điểm xuất phát của lễ rước Phật

Chùa có diện tích khá rộng, ngoài cùng là cổng Tam Quan 2 tầng, phía trên có lầu Hộ Pháp. Sau cổng Tam Quan là con đường được lát gạch Bát Tràng được phủ bóng cây rợp mát dẫn vào lối Chính điện. Đây cũng là điểm xuất phát của lễ rước Phật. 

Chùa Từ Đàm

Chùa Từ Đàm ban đầu có tên là Ấn Tôn, được xây từ năm 1695 và đến nay đã hơn 300 tuổi. Tên chùa Từ Đàm được đặt từ thời Thiệu Trị vào năm 1841. Chùa do Hòa Thượng Minh Hoằng ở Trung Quốc tạo dựng nên tên gọi Ấn Tôn ban đầu có ý nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tông chỉ của chùa.

Sau khi được trùng tu chùa khang trang hơn và trở thành ngôi chùa cổ nhiều năm tuổi. Ngày nay chùa Từ Đàm được dùng để làm trụ sở cho Giáo hội Hội Phật Giáo của cả xứ Trung Kỳ trong cuộc vận hội chấn hưng Phật Giáo Bắc – Trung – Nam. Chùa là điểm kết thúc của hành trình rước Phật và cũng là nơi tổ chức đại lễ trang trọng của mùa Phật Đản hàng năm tại Huế.

lễ phật đản
Chùa Từ Đàm là điểm kết thúc của hành trình rước Phật và cũng là nơi tổ chức đại lễ

Trải qua dặm dài lịch sử, Đại lễ Phật Đản không đơn thuần thấm nhuần màu sắc văn hóa, tâm linh mà còn là thành tố quan trọng, mang nền tảng tinh thần của người dân xứ Huế và tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Huế. Dấu ấn này được hiện hữu cụ thể qua từng ngôi chùa, niệm phật đường, lễ hội Phật Giáo và từng món ăn chay. Đại lễ Phật Đản giúp phát huy những giá trị văn hóa tích cực và thắp sáng niềm tin cho một tương lai an lành, thịnh vượng, an lạc cho đất nước Việt Nam và toàn thế chúng sinh, nhân loại…