Lý Sơn là một trong những điểm đến được yêu thích nhất trong mấy năm liền. Đến với Lý Sơn bạn sẽ được tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa anh hùng, thỏa sức bơi lội trong làn nước trong mát của Đảo Bé, thưởng thức các món hải sản được người dân nơi đây đánh bắt về. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không tìm hiểu về hòn đảo thú vị này cùng La Bàn Go trong bài viết hôm nay.

Danh mục nội dung

1. Một vài nét về Lý Sơn

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo là Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30 km. Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, chi phí du lịch tiết kiệm, trong những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch Quảng Ngãi nổi tiếng. Đây là hòn đảo hiếm hoi vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, với làn những bãi cát trắng trải dài, dòng nước trong như ngọc và núi non hùng vĩ. 

2. Thời điểm thích hợp để tới Lý Sơn

Là một huyện đảo trên biển Đông, Lý Sơn có chế độ nắng thuộc dạng nhiều nhất trong hệ thống các đảo ven bờ, rất phù hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng du lịch quanh năm. Tuy nhiên, Lý Sơn lại có mùa mưa lệch kéo dài từ khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn thời gian thích hợp để tới Lý Sơn

  • Khoảng từ tháng 3 – 8 hàng năm là thời điểm mùa khô, trời ít mưa cũng như nắng nhiều nên sẽ tương đối phù hợp cho việc tới Lý Sơn.
  • Nếu muốn đến Lý Sơn tham dự lễ khao thề lính Hoàng Sa, các bạn cần nhớ khoảng thời gian từ 18-20/3 âm lịch (có những năm lại tổ chức sớm hơn).
  • Nếu muốn tham quan các ruộng tỏi mùa thu hoạch bạn có thể đến vào khoảng đầu tháng 12.
  • Khoảng thời gian cuối năm từ tháng 9-12 là mùa mưa bão của dải miền Trung, đôi khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc đi lại từ đất liền ra đảo, các bạn cần theo dõi thời tiết thật kỹ để lên kế hoạch cho phù hợp nếu định tới Lý Sơn vào thời gian này. Có những thời điểm, việc cấm tàu Sa Kỳ – Lý Sơn kéo dài tới hàng tuần.

3. Cách để di chuyển đến Lý Sơn

Là một hòn đảo nằm ngoài khơi của tỉnh Quảng Ngãi, để đến được Lý Sơn trước hết các bạn cần đến được cảng Sa Kỳ, đây là cảng nơi các chuyến tàu xuất phát đi và đến Lý Sơn.

3.1 Đi tới Quảng Ngãi

3.1.1 Phương tiện cá nhân

Lấy mốc 2 đầu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì Quảng Ngãi gần như nằm chính giữa với khoảng cách đến 2 nơi lần lượt là 898km và 750km. Với khoảng cách này, nếu sử dụng phương tiện cá nhân và chạy liên tục theo tuyến QL1A (thường là trong một hành trình xuyên Việt) các bạn sẽ mất khoảng 2 ngày. Bạn có thể sử dụng ô tô hoặc xe máy để làm phương tiện cho hành trình này nếu bạn là một người yêu phượt và muốn khám phá nhiều hơn thì cách này cũng khá hay đấy nhé.

3.1.2 Phương tiện công cộng

Thuận lợi nhất cho việc đến Quảng Ngãi chính là sử dụng phương tiện công cộng, nằm trên trục chính của QL1A nên Quảng Ngãi có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ du khách đến du lịch trong tỉnh.

Tàu hỏa

Với vị trí nằm ngay trung tâm Thành phố, ga Quảng Ngãi khá thuận tiện để du khách có thể di chuyển về khách sạn sau khi đến đây.

Từ Hà Nội hàng ngày có 5 chuyến tàu Thống Nhất đi ngang và dừng ở Quảng Ngãi là các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và TN1

Tương tự như vậy, từ TP. Hồ Chí Minh có 6 chuyến tàu đến Quảng Ngãi là SE2, SE4, SE6, SE8, SE10 và SE26, TN2, SE22.

Xe giường nằm

Rẻ và nhanh hơn đi tàu các bạn có thể lựa chọn các tuyến open bus, hầu hết các tuyến xe khách đường dài Bắc Nam đều sẽ đi qua Quảng Ngãi. Tuy nhiên, các tuyến xe này nếu không đăng ký thường sẽ chỉ trả khách ở các tuyến đường tránh khá xa trung tâm, để có thể về được ngay trung tâm thành phố, các bạn hãy lựa chọn các tuyến xe giường nằm đi Quảng Ngãi nhé.

Máy bay

Quảng Ngãi hiện tại không có sân bay nằm trong tỉnh, sân bay gần nhất so với trung tâm TP. Quảng Ngãi là sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam. Tuy vậy, từ sân bay này hiện có các tuyến xe buýt cả miễn phí cả trả phí để về tới trung tâm TP. Quảng Ngãi nhé các bạn. Các chuyến bay tới Chu Lai được khai thác hàng ngày từ Hà Nội và Sài Gòn với tần suất khá liên tục, các bạn có thể check trên trang web của các hãng hàng không. Bạn có thể chọn vé và đặt ngay tại đây.

3.2 Từ Quảng Ngãi đi Lý Sơn

3.2.1 Tàu cao tốc

Trước kia, mỗi ngày chỉ có từ 1-2 chuyến tàu cao tốc Sa Kỳ – Lý Sơn khiến cho việc đi lại khá vất vả, mua vé cũng mất khá nhiều thời gian. Thời điểm hiện tại, do Lý Sơn đã được đầu tư và quy hoạch phát triển du lịch nên lượng khách đến với đảo ngày càng nhiều, các hãng dịch vụ tư nhân cũng đầu tư và đóng mới thêm nhiều tàu để phục vụ khách.

Tùy vào từng thời điểm, mỗi ngày có thể có từ 10-15 chuyến tàu chạy ra đảo Lý Sơn, chuyến tàu sớm nhất vào khoảng 7h30 và chuyến tàu cuối cùng thường chỉ trong khoảng 15h-15h30.

3.2.2 Tàu siêu tốc

Hiện tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ – Lý Sơn có 7 tàu siêu tốc đã đưa vào hoạt động với tổng lượng khách chở khoảng 800 người/lượt. Trong đó, chiếc lớn nhất chở 168 người/lượt, nhỏ nhất là 78 người/lượt. Đây là những tàu được đóng mới và khá hiện đại, thời gian ra đảo Lý Sơn được rút ngắn xuống chỉ còn từ 30 – 50 phút.

3.3 Từ Đà Nẵng đến Lý Sơn

Sau khi xuống sân bay Đà Nẵng bạn có thể bắt xe vào Quảng Ngãi. Tìm đến cảng Sa Kỳ và mua vé ra đảo Lý Sơn. Mùa hè đang là thời điểm mà Lý Sơn vào mùa đẹp nhất, bạn tranh thủ ghé ngay nhé!

4. Đi lại trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn có khá nhiều lựa chọn đi lại cho các bạn. Trên Đảo Lớn, các bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc thuê những chiếc xe ba gác của người dân để di chuyển nếu số lượng thành viên trong đoàn không quá đông, nếu đoàn đông các bạn nên lựa chọn thuê xe ô tô cho tiện. Trên Đảo Bé do diện tích khá nhỏ, các bạn có thể lựa chọn đi bộ hoặc lựa chọn xe điện do một vài hộ dân trên đảo kinh doanh.

4.1 Thuê xe máy

Với những bạn đi một mình, cặp đôi hoặc đơn giản các bạn muốn chủ động đi theo thời gian riêng của mình thì việc thuê xe máy để khám phá Lý Sơn sẽ là phù hợp nhất. Giá thuê xe thường dao động trong khoảng 150-200k (không phải đổ xăng) và thường được chủ cơ sở lưu trú cho thuê ngay nên cũng khá tiện. Các bạn lưu ý là dù là đảo du lịch nhưng các bạn vẫn cần chấp hành luật giao thông cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người khác.

4.2 Thuê xe ô tô

Cũng như xe điện, ô tô được một số hộ kinh doanh cũng như các công ty đưa từ đất liền ra đảo Lý Sơn để phục vụ hoạt động chở du khách trên đảo. Trên đảo hiện có khoảng hơn 20 ô tô có hoạt động chở khách, so với xe điện thì việc ngồi ô tô có thể không thoáng mát bằng nhưng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi mưa gió, phù hợp với những gia đình có người già và trẻ nhỏ.

4.3 Đi từ Đảo Lớn sang Đảo Bé

Sau một thời gian dài việc di chuyển từ đảo này qua đảo khác có lịch trình lộn xộn thì hiện tuyến vận tải Đảo Lớn – Đảo Bé đã được Sở GTVT Quảng Ngãi phê duyệt. Mỗi ngày sẽ có 14 chuyến tàu chở khách từ cảng Lý Sơn đến Đảo Bé. Chuyến đầu tiên xuất phát từ Đảo Lớn là 7h30 và chuyến cuối cùng là 11h50. Từ Đảo Bé quay lại Đảo Lớn, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 10h30 và chuyến cuối cùng là 15h10. Các bạn lưu ý là thời gian để không bị lỡ tàu, nếu muốn qua Đảo Bé chơi thì chỉ có thể đi trong buổi sáng nhé.

Trong trường hợp các bạn đi theo đoàn đông (hoặc kể cả ít người) các bạn có thể liên hệ để thuê trọn gói chuyến tàu cả chiều đi và chiều về, đi kiểu này các bạn sẽ chủ động hơn về mặt thời gian nhé.

5. Tới Lý Sơn thì ở đâu?

Hiện tại, trên toàn đảo Lý Sơn có hơn 110 cơ sở lưu trú với trên 650 phòng của nhiều nhà nghỉ, khách sạn với khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cùng lúc cho khoảng 2.500 – 3.000 du khách.

5.1 Khách sạn

Ngày trước khi mà Lý Sơn chưa có điện, khách sạn duy nhất trên đảo là Khách sạn Lý Sơn đã được coi là khá “sang chảnh” so với các cơ sở lưu trú còn lại. Thế nhưng, kể từ khi hòn đảo được hòa điện lưới quốc gia, số lượng khách sạn được đầu tư xây mới tăng vượt bậc, các khách sạn với view đẹp, dịch vụ cũng được đầu tư tương xứng đã dần thay đổi bộ mặt của hòn đảo Lý Sơn, thu hút được thêm nhiều nhóm đối tượng khách khó tính đến với đảo.

Khách sạn Hạng sao Địa chỉ
Mường Thanh  4 sao Bến cảng mới, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Đảo Ngọc 4 sao Thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Central Lý Sơn 2 sao Bến cảng mới, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Đại Dương 2 sao Bến cảng mới, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Khải Hoàn 2 sao An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Lý Sơn 2 sao Thôn Tây,  An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Hiệp Sĩ 2 sao Cầu Cảng,  An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi

Bạn có thể liên hệ đặt trước phòng khách sạn: 0935 518 001

5.2 Homestay ở Lý Sơn

Trước đây khi dịch vụ lưu trú ở Lý Sơn chưa nhiều nhưng mỗi dịp lễ số lượng du khách đổ về quá nhiều dẫn tới tình trạng thiếu chỗ ngủ nghỉ. Nhiều người dân Lý Sơn đã tận dụng những phòng trống trong nhà để cho du khách thuê với chi phí hợp lý, dần dần nhận thấy nhu cầu lớn, nhiều người dân đã đầu tư chi phí, chỉnh trang lại nhà cửa để biến thành dịch vụ homestay phục vụ du khách mỗi khi tới đảo Lý Sơn. Với những dịch vụ homestay này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa con người Lý Sơn thông qua chính hộ gia đình mà bạn ở, các bạn cũng có thể nhờ người dân mua thức ăn và nấu giúp mình tại nhà luôn.

5.3 Ngủ lều

Đây là một lựa chọn thú vị nhưng lại chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ các bạn thích trải nghiệm. Ngoài ra nếu đến đảo vào những dịp khách du lịch đông, mọi cơ sở lưu trú đều quá tải thì việc thuê lều ở Lý Sơn để có một chỗ ngủ là một lựa chọn chữa cháy không tồi. Các bạn có thể dựng lều ngủ trên đảo Bé hoặc khu vực Hang Câu.

 6. Các địa điểm du lịch ở Lý Sơn

Là một huyện đảo tuy nhiên khi đến với Lý Sơn sẽ có khá nhiều địa điểm du lịch cho các bạn tham quan và khám phá. Cùng La Bàn Go check qua một số địa điểm du lịch chính trên đảo này nhé!

6.2 Đảo Bé

Đảo Bé còn được gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.

Từ Đảo Lớn mỗi ngày đều có tương đối nhiều chuyến tàu sang Đảo Bé, tàu thường xuất phát buổi sáng và quay lại vào buổi chiều. Nếu đoàn bạn có nhiều người có thể thuê thuyền sang đảo bé cho chủ động. Thuê thuyền riêng có lợi thế là bạn có thể đi bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ tàu chạy. Tối có thể mang theo lều ngủ tại đảo bé, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ. Hẹn tàu sáng hôm sau đón về sớm rồi quay vào đất liền luôn.

Sang Đảo Bé bạn có thể đi dạo một vòng quanh đảo thăm thú cảnh đẹp, các ruộng tỏi, tới bãi tắm ở phía cuối đảo rồi quay trở lại phía cầu tàu để nghỉ ngơi ăn uống.

6.3 Chợ đêm Lý Sơn

Chợ đêm Lý Sơn mới hình thành được một hai năm trở lại đây, sau khi huyện đảo được kéo điện lưới Quốc gia. Chợ đêm chuyên bán các hải sản tươi sống, chợ được người dân tự lập, nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực cho du khách cư ngụ qua đêm. Điều đặc biệt là giá cả của các loại hải sản tại chợ đêm rất bình dân nên được rất nhiều thực khách lựa chọn để thưởng thức hải sản.

Chợ được xây dựng trên diện tích gần 1000m², kéo dài khoảng 500m, với 38 gian hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm và mặt hàng đặc trưng của đảo Lý Sơn. Tại đây bày bán các sản phẩm lưu niệm như đặc sản hành, tỏi Lý Sơn, các sản phẩm đồ lưu niệm, khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí… để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch. Khu chợ đêm thành lập sẽ tạo không gian du lịch cho du khách khi ra tham quan trên đảo.

6.4 Các di tích lịch sử văn hóa

6.4.1 Chùa Đục và Quan Âm Đài

Tọa lạc giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.

Vị trí nằm ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.

Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh

6.4.2 Chùa Hang

Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m². Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ.

6.4.3 Đình An Vĩnh

Đình làng An Vĩnh lúc đầu xây dựng bằng tranh, cột bằng gỗ tra bể, cây bàng, vách đất. Đến năm Mậu Ngọ (1798), Cảnh Thịnh thứ 7, đình An Vĩnh được tu bổ xây mới. Năm Nhâm Dần (1842), Thiệu Trị thứ 2, đình An Vĩnh bị giặc Tàu cướp đốt phá.

Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng.

6.4.4 Đình An Hải

Di tích nằm ở xã An Hải, được xây dựng từ năm 1820, năm đầu tiên dưới triều vua Minh Mạng. Di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền An Hải thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nguyễn, thể hiện qua kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, các vì kèo, trụ chồng, đỉnh cửa… Với kỹ thuật đắp nổi qua các ô trang trí cổ diêm với các mô – típ mai điểu, ngư điểu, ở bề mái với mô – típ lưỡng long triều nhật, long phụng triều quy, ở mặt tiền với mô – típ cặp nghê chầu đỡ cột đình. Hiện đình làng và nhà thờ còn lưu giữ được các bức hoành phi, ngai thờ, liễn đối cẩn xà cừ có giá trị về lịch sử, văn hoá, bên cạnh giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân trên đảo Lý Sơn.

Di tích đình làng An Hải là một trong số rất ít đình làng ở Quảng Ngãi khỏi bị chiến tranh tàn phá và còn tương đối nguyên vẹn. Đình làng và nhà thờ làm bằng chất liệu gỗ, bởi vậy, trải thời gian gần hai thế kỷ, không khỏi có sự xuống cấp, các mô – típ hoa văn có phần bị mờ, do quá trình bào mòn của nắng mưa, độ ẩm và gió biển.

6.4.5 Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa

Tọa lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, cụm tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững trước sóng biển và nắng gió, như biểu tượng cho sự khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trong gian phòng chính rộng 150m2 dùng để trưng bày. Các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: hai chiếu cói, bảy dây mây, bảy nẹp tre, bảy thẻ tre, lu đựng nước, dầu rái và xơ đay (dùng để sửa chữa khi thuyền gặp nạn mà ấn tượng nhất có lẽ là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt. Giữa phòng là bài vị của các anh hùng trong công cuộc tiên phong mở cõi và khẳng định chủ quyền được đặt trang nghiêm như: Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết…

6.4.6 Âm Linh Tự 

Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…

Thờ cúng ở Âm linh tự còn có những linh hồn là chiến sĩ trận vong, vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nhiều khi xác thân không còn tìm được. Người xưa gọi chung những đồng loại rơi và tình cảnh như vậy là “thập loại chúng sinh” và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người.

Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong uy nghi bề thế.

6.4.7 Mộ gió

Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.

Để có ngôi mộ gió cho người bạc mệnh, gia đình phải nhờ đến sự trợ giúp của một pháp sư. Sau xin cúng bái xin phép tổ sư, thầy pháp lên miệng núi lửa trên đảo lấy đất sét đem về, nhào với nước và bông gòn rồi nắn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, có kích thước tương tự thân thể người đã khuất.

6.4.8 Nhà thờ Phạm Quang Ảnh

Nhà thờ Phạm Quang Ảnh là nơi thờ tự Phạm Quang Ảnh đội trưởng đội Hoàng Sa hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Bố cục phối thờ với dòng họ tổ tiên, di tích nhà thờ Phạm Quang Ảnh là di tích có giá trị giáo dục to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, yêu quê hương, dân tộc và chủ quyền vẻ vang của đất nước Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

6.4.9 Nhà Thờ Võ Văn Khiết

Là nơi thờ tự đội trưởng đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cha Võ Văn Khiết là ông Võ văn Thắm vốn là lý trưởng làng An Vĩnh đã xin triều đình cho lập đền thờ Võ Văn Khiết tại xóm Vĩnh Thành xã An Vĩnh. Ngôi đền thờ nằm trong khu đất của dòng họ Võ, dân gian quen gọi là miếu ông Thắm. Theo những người già trong tộc họ Võ thì đền thờ được xây dựng cuối triều Gia Long.

6.4.10 Di tích dinh Tam Tòa

Nằm ở thôn tây xã An Hải, di tích được xây dựng dưới thời Gia Long, cảnh quan rất đẹp, bên trong chính thờ là nữ thần Thủy Long( truyền thuyết là con Long Vương) cùng thờ với Bạch Mã Thái Giám và chư vị ngũ đức. Đây cũng là di tích tín ngưỡng quan trọng của người dân trên đảo Lý Sơn.

6.4.11 Di tích đền thờ cá ông Lăng Chánh

Nằm ở thôn Đông xã An Vĩnh, sát bờ biển. Di tích được xây dựng vào thời Minh Mạng, đây là di tích tín ngưỡng quan trọng của vạn chài Lý Sơn. Người Việt có truyền thuyết xem cá ông là hóa thân của mảnh áo Cà Sa của phật bà Quan Âm. Phật bà Quan Âm xé áo Cà Sa thành muôn mảnh thả xuống biển hóa phép thành Cá ông, lấy bộ xương Voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, lại ban phép thâu đường bơi lội thật mau để cứu những ngư dân lâm nạn. Hiện nay nơi đây và nhiều lăng cá ông trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều bộ xương cá ông rất lớn.

6.4.12 Di tích dinh bà Thiên Y-A-Na

Đây là loại kiến trúc nghệ thuật tôn giáo tín ngưỡng nằm ở thôn tây xã An Hải,  có diện tích khoảng 150m. Mặt hướng về phía Nam và có lối kiến trúc hình chữ tam, chia làm 3 tòa: Tiền đường, chính diện và hậu cung, nơi đây còn lưu giữ những mảng chạm khắc gỗ rất đẹp và tinh tế, sống động. Trong nội và ngoại thất di tích còn lưu giữ những bảng liễn, câu đối, các pho tượng bằng gỗ, đá – là những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao. Di tích dinh bà Thiên Y-A-Na là bằng chứng của sự dung hòa văn hóa Việt – Chăm.

6.5 Cổng Tò Vò

Cổng Tò Vò là một cổng vòm bằng đá, cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Theo các nhà địa chất, Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn.

Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.

6.6 Đỉnh Thới Lới

Núi Thới Lới nằm ở phía Đông huyện Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có lịch sử hình thành từ 5 ngọn núi lửa độc đáo đã tắt từ lâu. Nhắc đến đây thì chắc cũng ít ai biết được điểm du lịch đảo Lý Sơn này có lịch sử hình thành thời xa xưa được nằm trên 5 ngọn núi lửa. Đỉnh Thới Lới có độ cao gần 170m so với mặt nước biển và một điểm tuyệt tác khác khi trên đỉnh Thới Lới lại có một hố nước ngọt. 

Người dân nơi đây tương truyền rằng, trước đây trong lòng núi Thới Lới là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều gỗ quý, có cây to bằng kích cỡ của hai người ôm và đây cũng là nơi nguồn nước ngọt thoát ra đổ thẳng xuống chân núi tạo nên dấu tích của suối Chình.

6.7 Hang Câu

Nằm ở thôn Đông, xã An Hải dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.

Chỉ mất chưa đầy 15 phút từ trung tâm huyện để tới được Hang Câu. Nơi đây không khí rất trong lành, gió thổi lồng lộng và sóng biển quanh năm vỗ vào ghềnh đá- được tạo thành từ nham thạch, cao hàng trăm mét, trông rất nên thơ và hùng vĩ.

6.8 Cột cờ Tổ Quốc

Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4.5.2013, trên núi Thới Lới – ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.

6.9 Hòn Mù Cu

Hòn Mù Cu nằm phía đông gần sát với âu neo đậu tàu thuyền An Hải và hiện nay đã có kè biển tới tận hòn đảo Mù Cu. Phong cảnh ở điểm du lịch Lý Sơn này rất hoang sơ, hữu tình với những dải đá đen núi lửa ở khắp mọi nơi.

Trên đảo Mù Cu hiện đã xây một ngọn hải đăng đảo Lý Sơn, nơi du khách có thể đi lên ngắm cảnh biển vào lúc bình minh thật huyền ảo. Hòn đảo chỉ có loài cây mù cu mới sinh trưởng được ở nơi này nên người dân đã đặt tên cho nó là Mù Cu.

6.10 Giếng Vua

Giếng Xó La hay còn gọi là “giếng Vua”, ở thôn Đông, xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn được xây dựng từ thời Chăm Pa cổ. Nguồn nước ở đây quanh năm không bao giờ cạn và ngọt đến lạ thường so với hàng trăm giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo.

6.11 Nhà cổ Lý Sơn

Hệ thống nhà cổ ở Lý Sơn rất độc đáo, mang đặc trưng của một làng nông chài của những người dân miệt mài bám biển, góp phần thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Vì thế, mỗi ngôi nhà đều thấp thoáng bóng dáng của những đội “hùng binh Hoàng Sa”.

Hầu hết các nhà cổ ở đảo Lý Sơn là nhà thờ của các tộc họ gắn liền với sự tồn tại của đội binh Hoàng Sa thuở nào. Từ những ngày đầu khai phá hòn đảo hoang sơ này, tiền nhân của ông đã mua gỗ, thuê thợ từ đất liền ra đảo, làm nhà theo kiến trúc kiểu nhà rường đắp đất. 

6.12 Chợ cá Lý Sơn

Vào mỗi buổi sáng, tại cầu cảng Lý Sơn, những chiếc tàu cá cập bến mang theo từng mẻ cá, mực, tôm, cua tươi ngon. Chợ cá sáng sớm ở đảo Lý Sơn diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ và không ồn ào, tấp nập người mua, bán nhưng vẫn để lại cho du khách nhiều ấn tượng, bởi các loại hải sản ở đây luôn độc lạ và tươi ngon.

6.13 Cây di sản ở Lý Sơn

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận cây di sản Việt Nam đối với 2 cây đa sộp tại dinh Đụn, thôn Đông, xã An Vĩnh và một cây ở dinh Tam Hòa, thôn Tây, xã An Hải. Hai cây này có độ tuổi hơn 300 năm, là cây thứ 610 và 611 Cây di sản Việt Nam được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận trên cả nước.

6.14 Các lễ hội ở Lý Sơn

6.14.1 Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức hết sức độc đáo, chỉ riêng trên huyện đảo Lý Sơn mới có và hiện vẫn còn tồn tại trong các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa – Trường Sa, tìm kiếm hải vật, sản vật, cắm mốc, tuần phòng và bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển Đông. Ngay từ thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này. 

Hàng năm, các họ tộc người có người đi lính Hoàng Sa vào ngày 19-20 tháng 3 âm lịch, là thời điểm những người đi lính Hoàng Sa thuở trước chuẩn bị rời thuyền ra biển. Âm linh tự ở làng An Vĩnh (Lý Sơn) vốn là một nơi thờ cúng âm hồn, những người không may bỏ mình trên biển…, đồng thời còn phối thờ các chiến sĩ trận vong, các chiến sĩ Hoàng Sa – Trường Sa.

6.14.2 Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Ở Lý Sơn hội đua thuyền diễn ra ở vùng biển phía Tây nam của đảo. Tiêu biểu có các hội đua thuyền truyền thống ở hai làng An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn) và Tịnh Long (Sơn Tịnh) vào dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4-8/1 (âm lịch). Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng và ở Nam Trung bộ nói chung, nếu xét ở các bình diện: quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục và thành phần tham gia (có hàng vạn người tham gia trong suốt cả 4 ngày. Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh ra đảo và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.

Lý Sơn có tất cả 8 thuyền đua mang tên 4 con vật trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng được trang trí chạm trổ hết sức công phu. Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: Hội đua thuyền của làng và hội đua thuyền của huyện.

 7. Các món ăn ngon ở Lý Sơn

7.1 Hải sản Lý Sơn

Khu vực cổng chào huyện Lý Sơn, nơi có cầu cảng được xem là trung tâm của huyện đảo. Ở đây tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn nên tối đến du khách thường tìm đến “chợ đêm” để thưởng thức hải sản. Cái tên chợ đêm Lý Sơn có kể từ ngày đảo có điện.

Tới đây các bạn dễ dàng lựa chọn và thưởng thức các loại hải sản tươi sống được chế biến theo phong cách của người dân Lý Sơn.

7.1.1 Cua Huỳnh Đế

Cua huỳnh đế to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, nhìn giống con bọ khổng lồ hay có con hình dáng như loài rùa, đầu cua hơi chúi xuống, có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn, đầu cua dài và có nhiều râu Cua Huỳnh đế có những con ở vùng biển nước sâu nặng hơn 1 kg.

Ở vùng biển Bình Định – Quảng Ngãi, giống cua này được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua tức cua Huỳnh đế. Tên gọi cua huỳnh đế được lý giải khá thú vị. Nguyên thủy tên cua là “hoàng đế”, nhưng thuở xưa quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi vì sợ phạm húy (chúa Nguyễn Hoàng). Theo lời kể của các lão ngư dân miền Trung, ngày xưa, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua huỳnh đế còn gọi là hoàng đế, cua vua lưu truyền trong dân gian.

7.1.2 Cá nục Lý Sơn

Cá nục là loài cá khá quen thuộc, nhưng cá nục Lý Sơn lại có sắc thái và mùi vị rất riêng. Ở ngoài khơi vùng biển đảo Lý Sơn có một dòng hải lưu thường “gom” phấn hương và phù du từ thượng nguồn của nhiều con sông ở miền Trung đổ ra biển Đông để cung cấp nguồn thực phẩm rất dồi dào cho các loài hải sản. Cá nục vùng biển Lý Sơn được hưởng xái từ quy luật trời cho này. Múp máp, béo ngậy và …lành tính, là những gì mà con cá nục ở đây đã mang lại cho con người.

7.1.3 Ốc tượng Lý Sơn

Ốc tượng thuộc loại ốc to nhất trong các loài ốc ở biển. Dọc theo bờ hải đảo, chúng bám vào các bãi đá ngầm ở tầng sâu nhất, cho nên việc bắt chúng không dễ dàng, hơn nữa, mỗi khi thấy động thì chúng càng bám chặt vào đá. Loại ốc tượng to và ngon nhất phải chọn loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký. Ốc tượng bắt về còn tươi rói, nếu còn sống thì “rộng” vào hồ nước mặn để dự trữ khi cần ăn. Nếu làm món để ăn liền thì đem ốc rửa sạch bằng nước muối hay nước biển sau đó mới cho nguyên cả con vào nồi nước sôi để luộc. Khi ốc vừa chín, vớt ra đem cạy lấy thịt. Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm tho lại giòn giòn như gân sụn.

Ốc tượng không phải là món dễ tìm, Lý Sơn là quê hương của loài ốc tượng, thế nhưng cũng không có nhiều để cung cấp số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn.

7.1.4 Vẹm Lý Sơn

Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, có ở khắp gành đá san hô quanh đảo. Chúng sống trong lớp cát san hô có rong biển, hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái một chút. Người dân Lý Sơn thường bắt vẹm vào những ngày con nước chảy ròng mạnh từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch, khi đó xung quanh đảo gành đá lô nhô lên, việc bắt vẹm mới dễ hơn. Vẹm sau khi được bắt về, dùng dao nhỏ, mũi nhọn tách vẹm làm 2 nửa, nạy lấy ruột. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay út, có màu gạch rất tươi. Vẹm có vị ngọt, mằn mặn xen chút vị beo béo đặc trưng và chế biến được nhiều món ngon khác nhau như: xào, nấu cháo…

7.1.5 Cháo nhum

Trái ngược với hình thù gai mọc tua tủa đến gớm ghiếc ở ngoài vỏ con nhum (còn gọi là cầu gai, hay nhím biển) là một trong những loại hải sản biển ngon, giàu chất dinh dưỡng nhất .

Cách nấu cháo nhum khá đơn giản, theo đó sau khi mua về và rửa sơ qua nước lạnh cho sạch, dùng dao nhọn khéo léo để bổ, tách vỏ ra lấy phần thịt bên trong bỏ vào tô, chén. Sau khi tẩm ướp một ít gia vị, như: tiêu, hành… thì bỏ vào chảo và xào sơ với dầu ăn 1-2 phút thì bắc xuống, đổ vào nồi cháo đã nấu sẵn, rồi nêm nếm cho vừa và bày ra mâm thưởng thức.

Khác với các loại hải sản khác, cháo nhum có mùi vị vô cùng đặc biệt: thơm, ngọt, hơi béo nhưng không gây ngán… tất cả hòa quyện vào nhau, làm những ai thưởng thức cứ muốn ăn mãi không thôi.

7.1.6 Cá tà ma

Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các ngành rạn, rất nhanh và khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.

Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo.

Với món canh chua, cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt… Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.

7.2 Chả cá Lý Sơn

Điều cốt yếu tạo nên miếng chả cá “rất Lý Sơn” này là cá tươi rói chưa qua ướp đá. Vì thế, chả cá Lý Sơn không phải “sản xuất” quanh năm mà chỉ những khi trời yên biển lặng, thuyền chở cá về thì chả mới ra lò. Nếu cá không tươi thì chả cá làm ra sẽ không có màu trắng hồng đẹp mắt, không thơm, không dai.

Điểm thứ hai quyết định đặc trưng của chả cá Lý Sơn là có sự “tham gia” của tỏi Lý Sơn! Người làm chả cá ở Lý Sơn có một nguyên tắc: Chỉ dùng tỏi Lý Sơn làm gia vị để ướp chả. Được biết, cá tươi mà trộn với tỏi Lý Sơn mới chỉ vừa trộn xong chưa cần chiên, hấp đã dậy mùi thơm nức. Nếu dùng tỏi khác hương vị sẽ kém hẳn.

7.3 Gỏi tỏi Lý Sơn

Tỏi sau khi thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần rể, lấy phần thân và một ít lá gần thân, lột bỏ lớp vỏ ngoài cùng, chẻ nhỏ, cắt ngắn rồi rửa sạch, để ráo nước, đem hấp cách thủy cho chín. Khi ăn cho gia vị vào gồm: Đường, tiêu, bột ngọt, muối rang với quả chanh vắt lấy nước, trộn điều, bóp nhuyễn, rắc đậu phộng (lạc) và là ăn được. Món gỏi tỏi vừa đơn giản vừa thơm, hơi cay của vị tỏi tạo cho ta một cảm giác khó quên.

7.4 Xu xoa Lý Sơn

Khi đến với Lý Sơn trong những tháng hè nóng bức đều tò mò tìm hiểu và nhiệt tình thưởng thức những chén xu xoa được người dân Lý Sơn bày bán khắp đất đảo, thế nhưng mấy ai biết được rằng để có được chén xu xoa thanh ngọt, là món quà vặt dân dã giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nồng phải qua nhiều công đoạn trong quá trình chế biến khá công phu.

Chén xu xoa thanh ngọt được người dân Lý Sơn chế biến từ loại rau có tên là rau đông. Khi mùa mưa đến rau đông mọc trên các gành đá vòng quanh huyện đảo và được người dân thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Sau khi vớt lên từ biển, rau đông sẽ được người thu mua phơi trên các bờ thành quanh đảo. Sau con nắng đầu tiên, rau đông sẽ được rải ra đầm cho rụng bớt đá bám trên rễ cây.

Rau đông khô ngâm qua một đêm, rửa lại cho sạch tạp chất và nấu cùng nước ngọt, sạch. Sau khi rau tan hoàn toàn trong nước bắt đầu đổ ra chén hoặc các khuôn làm bánh theo sở thích của người nấu và được gọi là xu xoa. Xu xoa chỉ ngon khi ăn kèm với nước đường được sên từ đường vàng hoặc đường muỗng và một ít gừng tươi đập nát sau khi đã được nướng vàng trên lửa.

7.6 Gỏi bòng bòng Lý Sơn

Mỗi năm, rau bòng bòng chỉ sinh trưởng từ tháng 2-4 âm lịch. Bởi vậy mà đến Lý Sơn những tháng này, du khách mới có dịp thưởng thức món đặc sản tuyệt vời này – món gỏi bòng bòng hay rau cum cúm.

Bòng bòng vừa nhổ về, cắt đi phần gốc, rồi ngâm qua đêm trong nước cho bớt vị tanh. Khi cần chế biến, chỉ việc cho mớ bòng bòng qua nước sôi rồi vớt ra để giữ được độ giòn. Sau đó thái nhỏ, trộn dầu ăn đã khử chín cùng các gia vị gồm mắm, chanh, đường, bột nem… sao cho vừa miệng. Khi gần ăn, người Lý Sơn cho thêm các loại rau thơm và đậu phộng rang vào, là đã có món gỏi bòng bòng tuyệt vời để xúc bánh tráng hay ăn cùng cơm. Những cộng bòng bòng giòn sựt, vị rong biển đặc trưng khó lẫn hòa cùng mùi thơm của mắm, chanh và hạt đậu bùi bùi, tạo nên cảm giác ngon khó tả.

7.7 Đặc sản Lý Sơn mua về làm quà

7.7.1 Tỏi Lý Sơn

Tỏi Lý Sơn là một đặc sản có một không hai và lâu đời tại đất Quảng Ngãi. Nhiều năm qua, tỏi ở đảo Lý Sơn vẫn giữ được bản chất vốn có và hương vị của nó. Đến đi du lịch đảo Lý Sơn Quảng Ngãi, không thể không nhắc đến tỏi Lý Sơn. Đây là loại tỏi được trồng duy nhất tại huyện Đảo Lý Sơn. Sở dĩ đất trồng tại đây phì nhiêu và thổ nhưỡng là nhờ các thạch nham của miệng núi lửa phun trào cách đây hàng triệu năm. Kết hợp với đó là khí hậu thuận lợi tại đây đã làm nên hương vị đặc trưng cay nồng khiến người ăn không thể nào quên. Qua nhiều năm đi cùng với người dân Lý Sơn, loại tỏi này vẫn giữ được nét riêng biệt và hương vị độc đáo của nó. 

7.7.3 Bánh ít lá gai Lý Sơn

Bánh ít lá gai là một trong những loại bánh truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn nên có rất nhiều người biết làm loại bánh này, song để có người làm bánh chuyên nghiệp quanh năm, thì rất ít. Huyện đảo Lý Sơn hiện chỉ có còn khoảng chục hộ làm nghề gói bánh ít lá gai.

Để tạo ra sản phẩm bánh ít lá gai vừa ngon, vừa đẹp, cần chọn những lá gai non, bỏ gân, mang đi luộc, sau đó vắt khô rồi cho vào cối giã đến khi lá gai dẻo, chắt lọc lấy nước để trộn vào bột nếp khuấy đều tạo thành một khối bột màu xanh thẫm.

Đặc biệt, bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn người dân quết bánh bằng tay, chứ không quết máy như nơi khác. Quết bánh ít thủ công bằng tay tuy vất vả và lâu hơn nhưng bù lại là sẽ sẽ làm cho cái bánh được mềm dẻo hơn và khi ăn sẽ ngon hơn.

Chính sự công phu và tỉ mỉ trong từng công đoạn nên bánh ít lá gai Lý Sơn có hương vị thơm ngon đặc trưng, khác với bánh ít lá gai ở những nơi khác. Bánh ít Lý Sơn có độ dẻo vừa, khi ăn sẽ cảm nhận được vị tinh khiết của lá gai trên đất đảo, vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu hòa quyện trong chiếc bánh.

————

Liên hệ đội ngũ kinh doanh để được tư vấn vé tham quan nhiều điểm hơn ở Đà Nẵng.

Ms Ngân: 0768 589 001 (Zalo)

Ms Như Quỳnh: 0773 449 001 (Zalo)

Ms Minh: 0935 518 001 (Zalo)

Hotline: 0776 988 001 (Zalo)

LA BÀN TOUR – KIM CHỈ NAM CHO MỌI CHUYẾN ĐI

Địa chỉ: 38 An Thượng 17, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Website: www.labantour.com